SOẠN GIẢ VIỄN CHÂU
GỒM CÁC MỤC : 1 - NHÓM NGHỆ SĨ, PHÓNG VIÊN THĂM SOẠN GIẢ
VIỄN CHÂU ; LÚC NÀY ÔNG ĐƯỢC 90 TUỔI
2 – SƠ LƯỢC VỀ SOẠN GIẢ VIỄN CHÂU
1 - NHÓM NGHỆ SĨ PHÓNG VIÊN THĂM SOẠN GIẢ VIỄN CHÂU
LÚC NÀY ÔNG ĐƯỢC 90 TUỔI
HỘP ẢNH
VIDEO + SLIDE SHOW TRÊN YOUTUBE
2 - SƠ LƯỢC VỀ SOẠN GIẢ VIỄN CHÂU
Soạn giả VIỄN CHÂU
SÁNG NGỜI TÊN TUỔI
VIỄN CHÂU VỚI
TIẾNG ĐÀN BẢY BÁ
& SOẠN GIẢ CẢI LƯƠNG
- Nguyễn Văn Danh
Thuở nhỏ, ông học quốc văn ở trường làng và học Hán văn với những bậc túc nho ở tại nhà. Ngoài ra, ông còn học thêm âm nhạc. Ông khá sành Hán văn và sử dụng khá thành thạo các nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là đàn tranh.
Soạn giả Viễn Châu sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo vào năm 1924, ông theo đuổi Nho văn và sớm có thiên tư về âm nhạc nhưng khi lớn lên, ông lại không có thiên hướng về khoa cử hay sân khấu. Ông đam mê viết văn và làm thơ hơn.
Truyện ngắn “Chàng trẻ tuổi”, truyện ngắn đầu tay của ông đã được đăng trên báo Dân Mới vào năm 1942. Cùng năm này, bài thơ “Thời mộng” của ông cũng đã được đăng trên báo “Tổng xã mới”.
Ông viết văn, làm thơ nhưng không có duyên nợ với văn chương. Năm 1945, ông chuyển sang soạn tuồng cải lương. Vở tuồng “Hồn chiến sĩ”, vở tuồng đầu tay của ông, có nội dung chống thực dân Pháp, đã được Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Trà Cú (lúc bấy giờ là quận Trần Chí Nam) tổ chức hát bán vé để góp quỹ kháng chiến.
Ông chuẩn bị tham gia kháng chiến thì gia đình gặp biến cố. Năm 1946, người anh thứ sáu của ông là Huỳnh Thanh Tòng bị Pháp bắt và bị bức tử ở đồn Long Toàn. Để tránh khủng bố, ông bỏ xứ Đôn Châu lên Vĩnh Long tá túc trong nhà một người bạn rồi sau đó phiêu bạt lên Sài Gòn. Bút danh “Viễn Châu” của ông có nghĩa là xa Đôn Châu được hình thành từ thời gian này.
Năm 1947, sọn giả Viễn Châu tham gia công tác thành ở Sài Gòn và bị Pháp bắt cùng với 4 người khác. Ông bị đày đi an trí ở Cẩm Giang (Tây Ninh). Sau khi đi an trí về, ông viết vở cải lương “Nát cánh hoa rừng” nhằm tố cáo chế độ thực dân Pháp, tố cáo sự bóc lột của bọn chủ đồn điền Pháp. Vở cải lương “Nát cánh hoa rừng” được đoàn Việt kịch Năm Châu trình diễn vào năm 1950. Đây là vở cải lương đầu tiên của ông được trình diễn trên sân khấu đại ban.
Kể từ năm 1950, qua vở cải lương “Nát cánh hoa rừng” tên tuổi Viễn Châu bắt đầu được giới mộ điệu chú ý. Và trong thời gian này, tiếng đờn trang của ông, tiếng đờn trang của Bảy Bá cũng được các hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Cùng với ngón đờn sến Năm Cơ, ngón đờn tranh Bảy Bá là hai ngón đờn cổ nhạc đã được giới mộ điệu đánh giá cao và coi như bậc thầy. Viễn Châu vừa là danh cầm vừa là soạn giả.
Trong thời gian ở Sài Gòn, ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, ông còn cộng tác với các đoàn hát : Kim Thanh Út Trà Ôn (1955), Thanh Tao (1958), Thanh Nga (1962), Dạ Lý Hương (1969), Tân Hoa Lan (1969). Đồng thời, ông còn cộng tác với các hãng đĩa Việt Nam (1950), Kim Long (1951), Việt Hải (1953), Thăng Long (1954), Sống Mới (1968), Nhạc ngày xanh (1969), Hồn nước (1973, của Ngọc Chánh sản xuất băng từ),…
Sau năm 1975, ông cộng tác với Đoàn Văn công (1975), hãng băng Sài Gòn Audio (1978) và nhiều đoàn hát ở các tỉnh. Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284 lưu diễn ở các nước Tây Âu như : Đức, Bỉ, Pháp, Ý.
Một sáng tạo của Viễn Châu có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật là việc ghép tân nhạc vào bản vọng cổ mà ông gọi là “Tân cổ giao duyên”. Bản “Tân cổ giao duyên” đầu tiên của ông có tựa “Chàng là ai” (nhạc Nguyễn Hữu Thiết) do Lệ Thủy ca vào năm 1964. Ngoài ra, về âm nhạc, ông cũng có sáng tác một bản nhạc tài tử ngắn tên là “Dạ khúc” đã được thu thanh trong băng cổ nhạc “Hòa tấu I” do Sài Gòn Audio thực hiện vào năm 1978.
Do có thành tích biểu diễn đờn tranh và nhiều đóng góp khác trong lĩnh vực cổ nhạc, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” vào năm 1988. Ngoài danh hiệu này, ông còn được giới mộ điệu suy tôn là “ Vua viết lời ca vọng cổ”. Sự suy tôn này kể cũng không quá đáng. Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành.
Những vở cải lương của ông được khán thính giả biết đến nhiều nhất là: Nát cánh hoa rừng, Tình mẫu tử, Đời cô Nga, Sau bức màn nhung, Bông ô môi, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Quân vương và thiếp, Qua cơn ác mộng, Nợ tình, Hoa Mộc Lan, Con gái Hoa Mộc Lan, Hai nụ cười xuân, Ai điên ai tỉnh,… Vở cải lương “ Ai điên ai tỉnh” vào tháng 02/1975, dưới thời chế độ Sài Gòn cũ, đã được báo giới bình chọn là vở cải lương hay nhất ở miền Nam năm 1974.
Về vọng cổ, nhiều bản vọng cổ của ông được thính giả ưa chuộng như : Tình anh bán chiếu, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Tần Quỳnh khóc bạn, Lá trầu xanh, Lòng dạ đàn bà, Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử, Tâm sự Mai Đình , Tâm sự Mộng Cầm, Xuân đất khách, Tu là cội phúc, Gánh nước đêm trăng, Mồ em Phượng, Gánh bưởi Biên Hòa, Cô hàng chè tươi, Đêm khuya trông chồng, Mẹ dạy con, Phạm Lãi biệt Tây Thi, Phàn Lê Huê , Tự Đức khóc Bằng Phi, Bông ô môi, Ai ra xứ Huế, Đêm tàn Bến Ngự, Gió biển Hà Tiên, Đêm lạnh trong tù, Hán Đế biệt Chiêu Quân, Dương Quý Phi , Kiếp cầm ca, Đời vũ nữ, Lá bàng rơi, Biệt cố hương, Anh đi xa cách quê nghèo,…
Trong hai bản vọng cổ “Biệt cố hương” (1960) và “Anh đi xa cách quê nghèo” (1974) chứa đựng nỗi đau ly hương và nỗi nhớ quê nhà Trà Vinh của ông rất nhiều. Nỗi niềm, tâm sự của ông gần như in đậm trên từng thanh âm, làn nhạc.
Với Viễn Châu, không gian sáng tác bao trùm vẫn là thiên nhiên sông nước Nam bộ. Chiều sâu tác phẩm của ông cũng là chiều sâu tình cảm, tâm lý người Nam bộ. Tác phẩm của ông khi hòa trở lại với thiên nhiên sông nước Nam bộ, hòa tình cảm, tâm lý người Nam bộ tự nhiên có hồn và có hơi thở riêng của nó.
Lời ca của Viễn Châu bình dị nhưng giàu cảm xúc, giàu chất thơ và giàu hình tượng nên dễ thuộc, dễ đi vào lòng người. Cái đọng lại trong sáng tác của Viễn Châu là tình cảm quê hương, con người, đất nước,… được thể hiện một cách mộc mạc, chân thật. Dựa vào bề dày sáng tác và biểu diễn, có thể coi Viễn Châu là một trong những ngôi sao sáng của bầu trời sân khấu Nam bộ nửa sau thế kỷ 20. Những đóng góp của ông trong lĩnh vực nghệ thuật nước nhà rất đáng kể và đã góp phần không ít trong việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Mọi người biết đến soạn giả Viễn Châu là người viết tuồng cải lương, người khai phá trào lưu “tân cổ giao duyên” và cả tên Bảy Bá qua tiếng đàn trang đờn kìm. Nhưng ít ai có dịp đọc thơ ông, và chúng tôi xin tiêu biểu giới thiệu vài bài thơ của ông và một bản vọng cổ của ông sau đây :
GHE CHIẾU CÀ MAU
KHUẤT DẠNG RỒI
(Để tưởng nhớ nghệ sĩ Út Trà Ôn)
Lối nhỏ vào thôn ngập lá vàng.
Vai oằn đôi chiếu bước lang thang .
Mồ hôi tùng giọt rơi trên áo ,
Ngã bảy trưa hè nắng chói chang
oOo
Gió thổi tơi bời xác lá bay .
Nhà xưa vắng vẻ cổng then cài .
Đâu rồi cô gái miền sông nước
Đôi chiếu Cà Mau biết gửi ai?!
oOo
Cô đã theo chồng đi đến đâu .
Giòng Kinh Phụng hiệp ngẩn ngơ sầu .
Gối đầu đôi chiếu nằm thao thức ,
Cất tiếng hò khoan để nhớ nhau .
oOo
…Gió buốt về đây lạnh đất trời .
Sương mù nhỏ giọt lá thôi rơi .
Con sông Phụng Hiệp buồn hiu hắc ,
Ghe chiếu Cà Mau khuất dạng rồi .
AO BÀ-OM (*)
Cánh chim về tổ chở mây xa ,
Cổ thụ nghiêng nghiêng dưới nắng tà .
Người đẹp đi rồi , cây nhớ bóng ,
Ao vuông còn đọng dấu hài hoa .
(*) Ao Bà – Om, còn gọi là ao vuông, một thắng cảnh của tỉnh Trà Vinh
KHÓC LẠC ĐẾ (*)
Thắp nén hương lòng Lạc Đế ơi .
Một phương trời nhớ một phương trời .
Cho hay nghiệp chướng yêu là lụy .
Viết chẳng thành câu , nói nghẹn lời .
Ao Bà Om
oOo
Tôi nhớ năm xưa nơi tiểu lộ ,
Trời như trở lạnh nẻo Nam Sơn .
Người vừa nức nở : Lương Sơn Bá !
Chan chứa làn mi đẵm giọt buồn .
oOo
Nhứt biệt trần gian vạn cổ sầu .
Khăn hồng ai thấm hộ giòng châu .
Đưa tay tôi đón vì sao rụng,
Gió cuốn hoa rơi gãy nhịp cầu .
oOo
Năm xưa người tiểu Lương Sơn Bá ,
Lác đác rừng thu rụng lá vàng .
Giờ đây ở giữa lòng đô thị ,
Ai tiễn người ra nghĩa trang ?!
oOo
Đem phấn son mà trả phấn son.
Ba mươi năm lê nghiệp chưa tròn
Màn nhung khép mở câu tâm sự
Nguyệt khuyết hoa tàn tủi nước non.
oOo
Những tưởng giòng châu đã cạn rồi .
Bao mùa ly loạn máu xương rơi .
Đêm nay bỗng thấy hồn ray rức ,
Không cố nhân mà lệ cũng rơi .
oOo
Người đã đi rồi không trở lại ,
Một trang tình sử , mấy giòng thơ .
Đèn khuya bóng nhỏ nằm thao thức .
Hẹn gặp Anh Đài trong giấc mơ .
(*) Lạc Đế, nữ diễn viên điện ảnh Hồng Kông , người đã đóng chung với Lăng Bá trong phim “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” nổi tiếng trong thập niên 60
VỌNG CỔ : TRÁI KHỔ QUA
NÓI LỐI : Tôi với em là hai người cùng một xóm / Nhà của em có trồng trái khổ qua / Những bình minh còn nặng giọt sương sa / Tôi nhìn mãi cánh tay ngà em tưới nước.
Dây khổ qua nhụy vàng bông trắng, trái khổ qua tuy đắng nhưng đượm thắm…
VỌNG CỔ
CÂU 1 : ….Hương tình. Mẹ của anh thường khen em thùy mị dịu dàng. Em cúi đầu bẽn lẽn gương mặt đỏ bừng và nở nụ cười duyên, em vội chạy ra sân nhìn nước nhìn mây nhìn đất nhìn trời. Em van vái cho năm nay sớm dứt trận mưa rào để cho đám khổ qua được đâm chồi nẩy lá.
CÂU 2 : Tôi còn nhớ buổi chiều hôm đó khi ánh hoàng hôn còn giăng phủ thôn buồn. Trao cho tôi mấy trái khổ qua em âu yếm bảo tôi rằng :
Thơ Vân Tiên
Công anh tưới nước vun phân
Khổ qua có trái giành phần tặng anh
Khổ qua bông trắng lá xanh
Trái quê thêm đượm mối tình nhà quê
Sang năm anh rước em về
Vui câu loan phụng đẹp bề thất gia.
CÂU 3 : Nhưng giòng nước Trường giang có khi lớn khi ròng thì lòng dạ của người đàn bà cũng theo thời gian mà nay dời mai đổi. Cuối năm ấy có người mang trầu cau dạm hỏi, cha mẹ tham giàu nên nhận lễ gả em.
Tối hôm ấy anh nằm không ngủ đợi đến sáng ngày hỏi xem chuyện chồng con em định liệu ra sao, thì em chỉ nhìn theo con bướm đang chập chờn bay lượn. Chuyện nầy do lịnh mẹ cha, phận em là gái khó cải qua huyên đường.
Hò hơ …. đèn nào cao cho bằng đèn Ba Giác, gái nào bạc cho bằng gái chợ Giồng, ngày em làm lễ tơ hồng là ngày em bẻ gãy .. hò hơ ..là ngày em bẻ gãy chữ đồng với tôi !
Đám cưới của em có đủ mặt bà con lối xóm, nhưng chỉ có riêng tôi là chẳng ai ….
VỌNG CỔ
CÂU 4 : ….Mời . Anh nghe tiếng cười vui mà gan ruột tơi bời, mưa rớt vườn cau theo gió lộng, lòng anh cũng lạnh tựa mưa xuân,
Em đi cạn chén rượu mừng
Anh về biết mấy đêm trường khổ đau
Người ta vui vẻ làm sao
Còn tôi mượn giấc chiêm bao gặp nàng.
CÂU 5 : Đám cưới của em bà con đổ xô ra xem đông đảo mà lòng anh cũng nát tan theo xác pháo bên đàng. Em cười vui còn riêng anh thì lệ đổ muôn hàng. Em ơi tôi đây tuy nghèo tiền nghèo bạc nhưng tôi đâu nghèo nhân đạo thuỷ chung, nhưng nhân đạo không đổi được ruộng vườn cơm áo, còn thuỷ chung mà chi khi người mình yêu không tình không nghĩa chỉ say mê theo vật chất kim tiền.
CÂU 6 : Sáng hôm nay mưa rơi nhiều quá giàn khổ qua trái cũng lớn rồi, mẹ tôi ngày một thêm già còn lụm cụm lo bề cơm nước, sáng hôm ấy người nấu chín nồi canh khổ qua rồi gọi tôi vào dùng bữa, người âu yếm bảo tôi rằng” hôm nay mẹ có nấu một nồi canh khổ qua một món mà con hằng yêu thích .” Tôi cúi đầu không nói nhưng đôi dòng lệ rưng rưng. Mẹ tôi biết tôi có điều chi đau khổ nên người mới nhìn tôi mà buông tiếng thở dài.
Ngoài kia có đôi bướm trắng đang chập chờn đuổi nhau trên giàn khổ qua sai trái.
Như trêu cợt kẻ si tình – Quá yêu người mà không được người yêu.
HỘP NÚT LINK ĐẾN CÁC BÀI KHÁC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét